Phát Triển Điện Mặt Trời Cần 42 Tỉ USD – Tầm Nhìn Đến Năm 2035
Để phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời từ nay đến năm 2035 cần khoảng 42 tỉ USD. Có thể nói rằng đây là một số vốn rất lớn, số vốn này vừa được Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt, với tầm nhìn phát triển điện mặt trời đến năm 2035.
Trong quy hoạch phát triển tổng nguồn điện cả nước, Bộ Công thương đã cân đối hài hòa trong quyết định điều đình phát triển điện hạt nhân và đẩy mạnh phát triển điện năng lượng mặt trời, gia tăng tỉ trọng điện mặt trời trong cơ cấu mạng lưới điện quốc gia.
Cùng với đó, dự thảo quy hoạch phát triển điện mặt trời mới nhất với tổng công suất các dự án điện mặt trời đạt 8150 MW năm 2020, 20060 MW năm 2025 và 52100 MW vào năm 2035 đang được trình Thủ tướng phê duyệt.
Nếu như dự thảo về quy hoạch phát triển điện mặt trời được phê duyệt thì công suất điện mặt trời mới từ nay đến 2035 sẽ vượt qua công suất lặp đặt hệ thống điện cả nước hiện nay, ở khoảng 45410 MW. Ở các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ sẽ xuất hiện hàng loạt các dự án điện mặt trời quy mô lớn.
Việt Nam sẽ đạt được hai mục tiêu lớn cùng lúc nếu phát triển điện mặt trời công suất lớn. Thứ nhất là điện sản xuất ra sẽ đáp ứng được nhu cầu về năng lượng phát triển đất nước. Thứ hai là giúp giảm thải khí CO2, đúng như cam kết của Việt Nam tại nhiều hiệp ước quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề về vốn để đầu tư các dự án này quả là một thách thức với nước ta.
Theo tính toán của Bộ Công thương, các dự án điện mặt trời và hệ thống truyền tải cần đến lượng vốn đầu tư rất lớn. Chỉ giai đoạn từ nay đến năm 2020, để phát triển 8150 MW thì cả nước cần khoảng 6,11 tỉ USD. Trong các giai đoạn tiếp theo, nhu cầu vốn sẽ tăng lên, cụ thể giai đoạn 2021 – 2025 tăng lên 10,67 tỉ USD, trong 10 năm tiếp theo 2026 – 2035 cần 25,1 tỉ USD.
Chính phủ sẽ kêu gọi mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để có đủ 42 tỉ đô la phát triển các dự án điện mặt trời và hệ thống lưới điện. Trong đó chủ chốt là vốn tư nhân, tín dụng ngân hàng, tín dụng xuất khẩu, vay thương mại nước ngoài, phát hành trái phiếu,…
Một phương án nữa của chính phủ là khuyến khích nhà đầu tư FDI đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện mặt trời, thu hút nhà đầu tư với cơ chế giá bán điện mặt trời ưu đãi, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.